Lao là một bệnh truyền nhiễm, có khả năng lây lan cao và trở thành đại dịch. Ở Việt Nam hiện nay có tới hơn 40% dân số nhiễm lao. Khi một người không may mắc bệnh lao, hơn ai hết họ cần được sự chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng. Không giống như nhiễm HIV/ AIDS dễ cho ta hình dung về con người có lối sống thiếu lành mạnh, những người nhiễm lao có thể là bất cứ ai, là bạn , là tôi, hoặc người thân bạn dù bạn giàu sang hay nghèo khó, trẻ trung hay cao tuổi, khỏe mạnh hay đau ốm…
Khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm dương tính với PCR – BK cho phép khẳng định bệnh nhân nhiễm trực khuẩn lao (Mycobacteriar tuberculosis) hầu hết mọi người đều lo lắng, sợ hãi. Không giống một số bệnh khác, tâm lí bệnh nhân bối rối, lo âu thậm chí là bải hoải vì lo lắng cho sức khỏe, tính mạng của mình. Với bệnh nhân nhiễm lao nỗi sợ này nhân đôi, nỗi lo lắng xuất phát từ hai lí do:thứ nhất sợ bệnh phá hủy phổi và những bộ phận khác của cơ thể, thứ hai là lo sợ sự kì thị của mọi người xung quanh, thậm chí là chính người thân. Ở một số người nỗi sợ thứ hai lớn hơn nỗi sợ thứ nhất, rào cản kì thị là bức tường khó vượt qua hơn khó khăn điều trị bệnh.
Xuất phát từ tâm lý này rất nhiều bệnh nhân sau khi được chẩn đoán nhiễm lao đã quyết định giấu bệnh và âm thầm điều trị

Khi có những biểu hiện ho kéo dài, ho có đờm, sốt về chiều, cơ thể mệt mỏi,chán ăn…đi khám về, mọi người quan tâm hỏi thăm chị H thật thà nói rằng mình bị mắc lao phổi và nhưng chỉ cần điều trị tại nhà. Ngay sau khi nói về bệnh của mình thì người hàng xóm hỏi qua loa bệnh tật rồi vội vã về ngay, những ngày hôm sau không dám sang nhà chị chơi nữa, đứa cháu bà hàng xóm mọi ngày hay sang chơi với bà hôm nay vừa đến cửa nhà đã bị bà nó gọi về. Sẽ không ai trong chúng ta dễ dàng đi qua những tháng ngày như vậy.

Bệnh nhân lao lo sợ bị mọi người xung quanh xa lánh.Một số người khi đi khám biết mình mắc lao do công việc bận rộn đã tự mua thuốc về điều trị tại nhà. Tuy nhiên bác sĩ Nguyễn Ngọc Sinh, Giám đốc bệnh viện Lao phổi giải thích: khi mắc lao, do người bệnh tự dùng thuốc kháng sinh hoặc đi đến cơ sở y tế tư nhân điều trị, bệnh không khỏi, thời gian ủ bệnh kéo dài. Khi sử dụng kháng sinh cũng làm cho việc xác định và điều trị bệnh trở nên khó khăn.

Giấu bệnh, tự điều trị và điều trị “chui” là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lao kháng thuốc, lao kháng đa thuốc, lao tái phát và lao ngoài phổi tăng cao trong những năm gần đây trở thành thách thức lớn đối với công tác phòng chống lao hiện nay.

Đứng trước bệnh lao, tâm lí của tất cả mọi người là sợ. Với người bệnh là sợ bệnh , sợ mọi người xa lánh. Với người thân là sợ bị lây. Với người bị bệnh lao một mặt họ có quyền được mọi người giúp đỡ chia sẻ để điều trị bệnh, mau khỏe để trở về cộng đồng. Một mặt bệnh nhân lao cũng cần phải xác định tâm lí rằng “ chữa bệnh lao dứt điểm và chủ động phòng lây lao tới mọi người xung quanh là trách nhiệm của bệnh nhân lao trong chương trình phòng – chống lao quốc gia. Vì cộng đồng, vì bản thân mỗi chúng ta hãy nâng cao nhận thức về bệnh lao.

Trần Hiền

 

 

0 0 vote
Article Rating
Subscribe
Notify of
guest
0 Các bình luận
Inline Feedbacks
View all comments
×
Đăng ký thành công!
0
Would love your thoughts, please comment.x
()
x